Neubatel là thuốc được bào chế dưới dạng viên nang cứng, với thành phần chính là Gabapentin. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh động kinh và đau thần kinh tọa.
1. Neubatel là thuốc gì, trị bệnh gì?
Thuốc Neubatel có thành phần chính là Gabapentin với hàm lượng 300mg (Neubatel 300) hoặc 600mg (Neubatel forte 600mg). Gabapentin là chất có tác dụng tốt trong điều trị bệnh động kinh, chống co giật, giảm đau dây thần kinh…
1.1 Chỉ định sử dụng Neubatel
- Hỗ trợ điều trị co giật cục bộ.
- Điều trị bệnh nhân đau thần kinh tọa.
- Trị đau do viêm dây thần kinh ngoại biên: đau dây thần kinh do zona, đau dây thần kinh do đái tháo đường.
1.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Neubatel
- Người có tiền sử mẫn cảm với thành phần/tá dược của thuốc;
- Trẻ em dưới 3 tuổi.
2. Cách dùng và liều lượng thuốc Neubatel
+ Cách dùng: Bằng đường uống. Neubatel được sử dụng như một chất hỗ trợ cho các loại thuốc chống động kinh khác, những loại thuốc này có thể không hiệu quả. Thời điểm uống thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Khi uống thuốc, bệnh nhân nuốt nguyên viên thuốc với một lượng nước vừa đủ.
+ Liều lượng:
– Liều dùng cho người từ 12 tuổi trở lên bị co giật cục bộ: 3 viên 300mg (tương đương 900mg) mỗi ngày, chia làm 3 lần trong ngày. Thời gian sử dụng thuốc giữa 2 lần liên tiếp không quá 12 giờ. Liều tối đa là 12 viên 300mg mỗi ngày (tương đương 3600mg), chia 3 lần/ngày. Thời gian sử dụng thuốc giữa 2 lần liên tiếp không quá 12 giờ.
– Liều dùng cho bệnh nhân 3-12 tuổi bị động kinh cục bộ: 25-35mg/kg/ngày, chia 3 lần/ngày.
– Liều dùng cho người bị đau có nguồn gốc thần kinh ở người từ 18 tuổi trở lên: 3 viên 300mg (tương đương 900mg)/ngày, chia làm 3 lần trong ngày.
– Liều dùng cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận: Nên điều chỉnh liều cho phù hợp.
Quá liều lượng: Khi sử dụng Neubatel quá liều lượng, người bệnh có thể bị nhiễm độc gan, thận hoặc gặp một số triệu chứng như tác dụng phụ của thuốc. Khi uống một liều Gabapentin tới 49g, bệnh nhân có biểu hiện tiêu chảy, ngủ lịm, nhìn đôi, lơ mơ, nói lắp. Cách xử lý là: Theo dõi sức khỏe nếu các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, cần đề phòng vì nguy cơ sốc phản vệ thường rất nhanh. Người bệnh nên nhập viện sớm để điều trị an toàn.
Quên liều: Nếu liều Neubatel bị quên không quá xa so với liều chính xác, bệnh nhân nên dùng ngay. Nếu quên uống thuốc trong một thời gian dài, bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch trình dùng thuốc thông thường.
3. Tác dụng phụ của thuốc Neubatel là gì?
Khi sử dụng Neubatel, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:
Thường gặp: Chóng mặt, suy giảm trí nhớ, mất khả năng phối hợp, phù nề, buồn ngủ, mệt mỏi, rung giật nhãn cầu, lo âu, giảm thị lực, nhìn đôi, phát ban, mẩn ngứa, táo bón, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, khô miệng, đau cơ, đau khớp, ho, viêm họng , viêm mũi, viêm phổi, giảm bạch cầu, phù mạch ngoại biên, nhiễm virus, liệt dương.
Ít gặp: đánh trống ngực, đau thắt ngực, rối loạn mạch máu ngoại vi, hạ huyết áp, mất vị giác hoặc rối loạn vị giác, rối loạn tiêu hóa, chảy máu nướu răng, viêm miệng, trầm cảm, khó chịu, liệt, mất trí nhớ hoặc ngôn ngữ, nhức đầu, mất hoặc giảm ham muốn tình dục, gan to, tăng cân.
Hiếm gặp: Liệt dây thần kinh, giảm chức năng vận động, tình dục quá mức, rối loạn nhân cách hoặc tâm thần, viêm sụn, đau lưng, loãng xương, loét dạ dày, viêm trực tràng, viêm đại tràng, viêm thực quản, thời gian chảy máu kéo dài, giảm bạch cầu (thường không có triệu chứng), ho, phù phổi, khàn giọng, giảm thông khí phổi, viêm niêm mạc đường hô hấp, sốt, ớn lạnh, hội chứng Stevens -Johnson,…
Trong trường hợp gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và xử lý phù hợp.
4. Lưu ý trong quá trình khi sử dụng thuốc Neubatel
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng Neubatel:
– Thận trọng khi dùng Neubatel cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận, tiền sử rối loạn tâm thần, đang chạy thận nhân tạo.
– Bệnh nhân động kinh không nên ngừng dùng Neubatel đột ngột. Nếu muốn giảm liều hoặc ngừng thuốc, nên thực hiện dần dần trong khoảng 1 tuần.
– Người bệnh không được tự ý tăng giảm lượng thuốc uống trong quá trình điều trị.
– Nếu mắc bệnh mạn tính phải dùng thuốc dài ngày như tim mạch, dị ứng… thì người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn và thay đổi liều lượng nếu cần thiết.
– Trong thời gian điều trị bằng Neubatel, bệnh nhân nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ thực phẩm, đồ uống có cồn hoặc chất kích thích;
– Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định ngừng điều trị bằng Neubatel.
– Người lái xe và vận hành máy móc cần thận trọng khi sử dụng Neubatel vì thuốc có thể ảnh hưởng đến trí lực và sự tập trung (biểu hiện là chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi,…).
– Cần thận trọng nếu dùng Neubatel cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Để đưa ra quyết định đúng đắn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
5. Tương tác với thuốc Neubatel là gì?
Khi vào cơ thể, Neubatel có thể tương tác với một số loại thuốc uống khác, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc đó hoặc làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ. Theo các bác sĩ, người bệnh nên liệt kê những loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng để bác sĩ tư vấn nhằm tránh những tương tác thuốc không mong muốn.
Một số tương tác thuốc của Neubatel:
– Dùng đồng thời Gabapentin (thành phần chính của Neubatel) với các thuốc kháng axit có chứa muối nhôm và muối magie sẽ làm giảm sinh khả dụng của Gabapentin. Vì vậy, người bệnh nên uống Neubatel cách thuốc kháng axit ít nhất 2 giờ.
– Dùng đồng thời Gabapentin với cimetidin làm giảm nhẹ sự bài tiết Gabapentin qua thận nhưng không có ý nghĩa lâm sàng.
– Neubatel có thể gây ra dương tính giả trong protein niệu.
Khi sử dụng Neubatel, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng thuốc. Nếu gặp các triệu chứng bất thường, người bệnh cũng cần thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt để được tư vấn và can thiệp kịp thời.