Kotisol là thuốc gì? Tác dụng, liều lượng và cách dùng

Thuốc Kotisol chứa hoạt chất Paracetamol kết hợp với Tramadol. Nó được chỉ định trong điều trị đau vừa đến nặng. Hãy cùng tìm hiểu về công dụng và những lưu ý khi sử dụng Kotisol qua bài viết dưới đây.

1. Kotisol là thuốc gì? Công dụng của thuốc Kotisol

Thuốc Kotisol chứa hoạt chất là Paracetamol (325mg) kết hợp với Tramadol (37,5mg). Tác dụng giảm đau của Kotisol kết hợp tác dụng giảm đau ngoại biên của Paracetamol và tác dụng giảm đau trung tâm của Tramadol. Vì vậy, Kotisol được chỉ định điều trị các cơn đau vừa đến nặng trong các trường hợp sau:

  1. Nhức đầu, đau răng, đau cơ, đau khớp.
  2. Đau sau chấn thương thể thao, chấn thương do tai nạn.

Thuốc Kotisol là thuốc gì

2. Liều dùng của thuốc Kotisol

Kotisol có sẵn ở dạng viên nén bao phim để uống. Kotisol không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên có thể uống cùng hoặc không cùng thức ăn. Liều lượng thuốc sử dụng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng của bệnh nhân. Liều khuyến cáo của Kotisol như sau:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 1-2 viên/lần, lặp lại liều sau 4-6 giờ mà không kiểm soát được cơn đau. Lưu ý không dùng quá 8 viên/ngày;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: Chưa có nghiên cứu chứng minh hiệu quả và độ an toàn khi điều trị bằng Kotisol ở trẻ em dưới 12 tuổi. Vì vậy, không sử dụng thuốc trong điều trị đối tượng này;
  • Người cao tuổi (trên 65 tuổi): Không có sự khác biệt về tính an toàn, hiệu lực và hiệu quả ở người cao tuổi. Do đó, không cần điều chỉnh liều ở người cao tuổi.

Quá liều thuốc Kotisol dẫn đến các triệu chứng ngộ độc Paracetamol và Tramadol sau đây:

  • Tramadol: Hôn mê, suy hô hấp, ngừng tim, co giật và có thể tử vong;
  • Paracetamol: Liều rất cao có thể dẫn đến nhiễm độc gan ở một số bệnh nhân, chán ăn, kích ứng đường tiêu hóa, nôn, buồn nôn, xanh xao, khó chịu, đổ mồ hôi. Các triệu chứng nhiễm độc gan do dùng thuốc quá liều có thể xuất hiện 48-72 giờ sau khi dùng thuốc.

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Kotisol là gì?

Kotisol có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:

+ Thường xuyên:

  • Toàn thân: Mệt mỏi, suy nhược, cảm xúc mạnh;
  • Thần kinh trung ương, thần kinh ngoại vi: Run, nhức đầu;
  • Hệ tiêu hóa: Táo bón, đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, nôn, khô miệng;
  • Hệ tâm thần: Lo lắng, chán ăn, khó chịu, mất ngủ, bồn chồn;
  • Da và mô mềm: Phát ban, ngứa da, tăng tiết mồ hôi.

+ Ít khi:

  • Toàn thân: Ớn lạnh, đau ngực, ngất, hội chứng cai nghiện;
  • Rối loạn tim mạch: Tăng huyết áp nặng, hạ huyết áp;
  • Hệ thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên: Co giật, mất thăng bằng, đau nửa đầu, căng cơ, co cơ không tự chủ, chóng mặt, sững sờ, dị cảm;
  • Hệ tiêu hóa: Phân đen do xuất huyết tiêu hóa, khó nuốt, tưa lưỡi;
  • Rối loạn tiền đình – ốc tai: Ù tai;
  • Hệ tâm thần: Trầm cảm, hay quên, mất ý thức, thay đổi tâm trạng, lạm dụng thuốc, ảo giác, ác mộng, bất lực, ý tưởng bất thường;
  • Hệ bạch huyết: Thiếu máu;
  • Hệ hô hấp: Khó thở;
  • Hệ tiết niệu: Rối loạn tiết niệu, albumin niệu, bí tiểu, tiểu ít;
  • Rối loạn thị giác: Tầm nhìn bất thường.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Kotisol

4.1 Chống chỉ định sử dụng thuốc Kotisol

– Người mẫn cảm với Paracetamol, Tramadol hoặc với bất kỳ thành phần nào của Kotisol;

– Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú do chưa có nghiên cứu cụ thể chứng minh tính an toàn của Kotisol trên các đối tượng này;

– Người thiếu men G6PD, người bị thiếu máu nhiều lần hoặc đang điều trị bằng thuốc ức chế MAO;

4.2 Thận trọng khi sử dụng thuốc Kotisol

– Cần thận trọng khi sử dụng Kotisol đồng thời với thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI), thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế MAO (MAOI), opioid, thuốc hạ ngưỡng động kinh, thuốc an thần hoặc bệnh nhân động kinh có tiền sử động kinh.

– Thận trọng khi điều trị bằng Kotisol cho bệnh nhân suy hô hấp, vì thuốc có nguy cơ gây suy hô hấp cao.

– Cần thận trọng khi dùng đồng thời Kotisol với các thuốc ức chế thần kinh trung ương như ma túy, rượu, thuốc phiện, thuốc gây mê, thuốc an thần và thuốc ngủ.

– Thận trọng khi dùng Kotisol cho bệnh nhân tăng áp lực nội sọ hoặc chấn thương đầu, người nghiện rượu vì dễ tăng độc tính cho gan.

– Việc sử dụng Naxolon trong việc quản lý quá liều Tramadol có thể làm tăng nguy cơ co giật.

– Đối với những bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút, không nên uống quá 2 viên Kotisol trong 12 giờ.

– Thận trọng khi dùng Kotisol cho bệnh nhân suy gan nặng, hoặc dùng chung với các thuốc khác có chứa Tramadol hoặc Paracetamol.

5. Tương tác với thuốc Kotisol là gì?

Thuốc Kotisol có thể gây ra một số tương tác như sau:

  • Thuốc ức chế MAO, thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin: Tăng nguy cơ tác dụng phụ (bao gồm co giật, hội chứng Serotonin);
  • Carbamazepine: Tăng chuyển hóa tramadol, do đó làm giảm hiệu quả của Kotisol;
  • Quinidin: Tăng nồng độ Tramadol trong huyết tương;
  • Thuốc chống đông đường uống: Sử dụng đồng thời Kotisol và thuốc chống đông đường uống cần đánh giá định kỳ thời gian ngoại đông, vì một số nghiên cứu đã chứng minh INR tăng ở một số bệnh nhân. ;
  • Thuốc ức chế CYP2D6: Sử dụng đồng thời Kotisol và thuốc ức chế CYP2D6 như Paroxetine, Fluoxetine và Amitriptyline làm giảm chuyển hóa của Tramadol;

Trên đây là những thông tin về công dụng, liều lượng và cách dùng thuốc Kotisol. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, hỏi ý kiến bác sĩ/dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.